STO – Kinh tế của huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa là chủ lực. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và thiên nhiên ưu đãi nên huyện canh tác lúa 3 vụ/năm, năng suất lúa sau mỗi vụ thu hoạch đều rất tốt, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Mặc dù có sản lượng lớn nhưng việc liên kết tiêu thụ lúa giữa nông dân và các công ty, doanh nghiệp thu mua chưa nhiều. Lúa sau thu hoạch phần lớn bán cho các thương lái, do đó nông dân mong muốn được công ty, doanh nghiệp kết nối tiêu thụ lúa, góp phần tăng thêm lợi nhuận sau thu hoạch.

Để đảm bảo 3 vụ lúa/năm, huyện Kế Sách đã cơ cấu các vụ lúa, gồm: Đông – Xuân sớm; lúa Đông – Xuân muộn và vụ Hè – Thu. Cụ thể, trong vụ Đông – Xuân sớm, huyện sẽ tiến hành gieo sạ vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch (15/8 đến mùng 10/9 âm lịch), với diện tích 8.768ha và thu hoạch trước tết Nguyên đán.

Vụ lúa Đông – Xuân muộn sẽ được gieo sạ trước tết Nguyên đán (tháng 1 dương lịch), với diện tích hơn 9.200ha, lúa thu hoạch trong tháng 4 dương lịch. Đây là vụ lúa cho năng suất và chất lượng cao trong năm. Vụ lúa Hè – Thu chủ yếu được gieo sạ trong tháng 5, diện tích hơn 9.000ha, thu hoạch vào tháng 8 đến đầu tháng 9 dương lịch. Tổng sản lượng lúa trong 3 vụ hơn 180.500 tấn/năm, trong đó sản lượng lúa đặc sản chiếm gần 82%. Việc liên kết tiêu thụ lúa chủ yếu thực hiện qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa cùng công ty với diện tích 1.800ha. Việc ký kết thực hiện trong suốt 3 vụ lúa/năm.

Thực tế cho thấy, diện tích sản xuất lúa trên địa bàn huyện Kế Sách là khá lớn nhưng việc liên kết tiêu thụ lúa chưa được nhiều. Nguyên nhân là do việc liên kết tiêu thụ lúa giữa hợp tác xã và công ty chưa thật sự bền chặt; lợi ích chưa được chia sẻ hài hòa nên có trường hợp bỏ cọc, bẻ kèo; một số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa phát huy được vai trò trong tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa cho thành viên. Cùng với đó, chưa có cơ chế để phát huy vai trò của môi giới tiêu thụ lúa, chưa có giải pháp khắc phục những bất cập của đội ngũ môi giới.

Theo ông Nguyễn Văn Đậm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành (huyện Kế Sách), giải quyết khó khăn trên bằng cách là hợp tác xã vẫn thực hiện ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với công ty, nhưng việc ký kết phải theo hình thức “mở”, có nghĩa là không “bám cứng” theo trong hợp đồng quy định, mà cùng nhau chia sẻ lợi nhuận nếu giá lúa tăng cao và ngược lại. Từ khi, áp dụng phương thức ký kết hợp đồng như trên với công ty, hàng chục năm qua hợp tác xã vẫn tạo mối liên kết bền chặt với công ty. Giá bán lúa của hợp tác luôn được công ty thu mua cao hơn giá thị trường từ 300 – 500 đồng/kg. Riêng trong vụ lúa Hè – Thu, hợp tác xã vừa mới thu hoạch xong diện tích lúa hơn 520ha, tổng sản lượng hơn 3.000 tấn, giá bán lúa 8.200 – 8.500 đồng/kg, trừ chi phí thành viên có lợi nhuận hơn 35 triệu đồng/ha/vụ.

Ngoài các công ty liên kết thu mua lúa với các tổ hợp tác, hợp tác xã thì trên địa bàn Kế Sách còn có các nhà máy xay xát lúa gạo, thương lái ngoài tỉnh cũng tham gia thu mua lúa của nông dân. Với 3 vụ lúa/năm, sau thu hoạch nông dân đều có lợi nhuận tốt, đặc biệt là trong 2 năm qua, khi giá lúa tăng cao thì lợi nhuận từ canh tác lúa đã đem về thu nhập càng tốt hơn cho nông dân.

“Nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa sau thu hoạch trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, huyện sẽ củng cố phát triển các tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã). Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các hợp tác xã chủ động xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo. Tranh thủ các nguồn vốn cấp trên đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, hợp tác xã sản xuất lúa. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ lúa. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tiêu thụ lúa”, đồng chí Lê Hoàng Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết.

Nguồn báo Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-ke-sach/202409/tang-cuong-hop-ong-lien-ket-tieu-thu-lua-sau-thu-hoach-096187d/