Việc điều chỉnh thuế suất thuế GTGT đối với phân bón sang chịu thuế GTGT 5% không những làm giá phân bón giảm, mà còn phát huy hàng loạt tác động tích cực.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, từ trước đến nay, hầu hết máy móc thiết bị sản xuất phân bón nhập khẩu đều chịu thuế GTGT 10%. Số thuế này không được hoàn, mà tính vào tổng mức đầu tư, nên làm tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả của các dự án đầu tư sản xuất phục vụ nông nghiệp, không khuyến khích việc đầu tư vào các dự án phục vụ nông nghiệp.

Từ ngày 1/1/2015, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ chi phí sản xuất phân bón, phải tính số thuế GTGT đầu vào chi phí (Tổng chi phí thuế GTGT của các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gần 1.000 tỷ đồng/năm), trong khi, giá thành sản xuất các mặt hàng phân bón tăng từ năm 2015 đến nay đều tăng mạnh. Đơn cử, giá phân đạm trong nước tăng 7,2 – 7,6%; phân DAP tăng 7,3 – 7,8%, phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 – 6,1%…

Thực tế này khiến giá bán thành phẩm phân bón tăng lên, nhưng không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, không được khấu trừ đầu vào, bị phân biệt đối xử so với các mặt hàng thông thường khác. Trong khi, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế” trong đó có ngành sản xuất phân bón.

Qua tìm hiểu, trước khi triển khai thực hiện Luật Thuế 71/2014/QH13 (Luật số 71), các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng thuế suất GTGT 5%. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng này được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Từ ngày 1/1/2015, Luật số 71 có hiệu lực, các mặt hàng này đã được chuyển thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Thực tế thời gian qua cho thấy, quy định đưa mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Khoản 1 Điều 3 Luật số 71) làm hạn chế sự phát triển và đầu tư cho sản xuất phân bón trong nước; đồng thời, không đạt được mục tiêu giảm giá bán mặt hàng phân bón trên thị trường.

Vì vậy, theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón, việc đưa mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ tạo điều kiện cho nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn; các nhà sản xuất trong nước được hoàn thuế GTGT đầu vào, nên giá thành sản xuất giảm, kéo theo giá bán giảm. Đối với doanh nghiệp, số thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ hoặc được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế GTGT, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tích tụ vốn, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp

Hiện nay, năng lực sản xuất nhiều loại phân bón của các công ty trong nước đã dư thừa công suất đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhưng các nhà nhập khẩu vẫn nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Đến cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất phân bón thế giới đã dần phục hồi, sản lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh, cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước. Nếu tiếp tục duy trì quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ không thể kéo giá phân bón trong nước giảm, mà còn tạo tác dụng ngược.

Như vậy, phân bón sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngay trên sân nhà. Trường hợp khi các nhà sản xuất phân bón trong nước không tiếp tục duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, sẽ phải phụ thuộc vào phân bón nhập khẩum ảnh hưởng đến môi trường và nông sản đầu ra của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để các doanh nghiệp sản xuất được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cho biết, thống kê số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón DAP Đình Vũ của công ty từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Khi phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, tỷ trọng giá vốn/doanh thu là 78%; khi phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT, giá vốn được bóc tách phần thuế GTGT đầu vào), nên tỷ trọng giá vốn/doanh thu chỉ còn khoảng 71-73% (tùy từng loại phân bón). Như vậy, có thể thấy rằng sau khi được hoàn thuế GTGT 5%, doanh nghiệp không làm tăng giá trên thị trường và có dư địa để giảm giá.

Thực tế, với quy định như hiện nay, về bản chất chi phí thuế vẫn phải cộng vào giá bán để bán cho người tiêu dùng, vô hình chung người tiêu dùng vẫn đang chịu thuế này, nhưng đồng thời doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, không tích tụ được nguồn vốn để tái đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Kỳ vọng của doanh nghiệp sản xuất

Đại diện các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước kỳ vọng, nếu dự thảo Luật thuế GTGT được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực trong năm 2025 sẽ tác động ngay đến thị trường phân bón, do các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón sẽ tăng cường lượng nhập khẩu và tiêu thụ phân bón, nhằm tránh nộp thuế GTGT trong những tháng cuối năm 2024. Với lượng dự trữ phân bón vào cuối năm 2024 ở mức cao, khi phân bón chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT 5%, giá phân bón tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ không tăng lên tương ứng 5%, có thể điều chỉnh giảm khi lượng tồn kho nhiều.

Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp trong nước được giảm chi phí thuế GTGT đầu vào, giảm giá thành dẫn tới có thể giảm giá phân bón, nhằm cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bình ổn giá trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất. Việc điều chỉnh thuế suất thuế GTGT đối với phân bón sang chịu thuế GTGT 5% không những làm giá phân bón giảm, mà còn phát huy hàng loạt tác động tích cực.

Cụ thể, theo khảo sát của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn do các nhà sản xuất nội địa được hoàn thuế GTGT đầu vào và giá thành sản xuất giảm; phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, sản lượng phân bón nhập khẩu thấp hơn phân bón sản xuất trong nước, nên về tổng thể vẫn có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc phân bón chịu thuế suất 5% còn tác động tích cực đối với ngân sách nhà nước. Cụ thể, nếu áp dụng thuế GTGT với phân bón, phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế GTGT và ngân sách Nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này. Khi áp dụng thuế GTGT làm cho hiệu quả của doanh nghiệp trong nước được nâng cao do tăng cơ hội cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước và sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc An, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: “Khi đầu tư các dự án sản xuất phân bón; hầu hết máy móc thiết bị, nhất là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu của các nhà bản quyền, đều chịu thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Với mặt bằng giá vật tư đầu vào ổn định khi mức thuế suất 5% nêu trên có hiệu lực (nếu có) toàn bộ VAT đầu vào được khấu trừ, tùy từng loại sản phẩm giá thành sản xuất sản phẩm phân bón của Công ty sẽ giảm từ 2-3,5%. Tùy theo điều kiện thực tế sản xuất kinh doanh, Công ty dự kiến sẽ giảm giá bán sản phẩm phân bón từ 2-2,5% để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Lúc này, nền sản xuất nông nghiệp trong nước có được sự chủ động, đây là điều sâu xa nhất để người nông dân được hưởng lợi lâu dài…”.