Ngày 2/10, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia về đất và phân bón lần thứ nhất năm 2024.
Hội thảo với chủ đề “Thực trạng độ phì nhiêu đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng độ phì của đất trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm gần đây. Từ đó xác định yếu tố hạn chế của đất để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí, tăng thu nhập, giảm phát thải khí nhà kính.
Các chuyên gia đánh giá, lâu nay vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước. Tuy nhiên, theo khảo sát thì vùng này bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian tới. Đất lúa ở đây hiện đang đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng do khai thác quá nhiều và chưa đúng cách. Việc đẩy cao cường độ thâm canh, tăng vụ, sử dụng phân bón vô cơ chưa cân đối, chưa tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất sinh học đất.
Qua khảo sát cho thấy, vùng ven biển có chỉ số Ca/Mg dưới 1, thể hiện mất cân đối nghiêm trọng trong đất. Chỉ số pH nhiều nơi là đất chua có chỉ số pH từ 5,0 đến dưới 5,5 (trong khi ngưỡng pH tối ưu để cây lúa phát triển tốt thường nằm trong khoảng từ 5,5 đến 6,5).
Bên cạnh đó còn có thực trạng đốt rơm rạ trên đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, làm mất chất dinh dưỡng của đất. Việc đốt rơm nhiều lần và lâu dài sẽ làm đất biến chất, trở nên chai cứng. Việc cày vùi rơm rạ trên đồng chưa qua xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến chất hữu cơ trong đất, lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ và tạo ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính…
Ông Lê Thanh Tùng – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) – cho rằng, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, cũng nhằm giải quyết những hạn chế trên, hướng tới sản xuất, xuất khẩu lúa gạo bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.
Mới đây, qua sơ kết 7 mô hình thí điểm của đề án này ở Trà Vinh, Sóc Trăng, TP Cần Thơ… nhận thấy năng suất lúa vụ hè thu 2024 nông dân sản xuất đạt 64,52 tạ/ha, cao hơn sản xuất bên ngoài 4,63 tạ/ha. Lợi nhuận mà nông dân tham gia mô hình cao hơn từ 4 -7,6 triệu đồng/ha so sản xuất bên ngoài.
Mô hình này chú trọng giảm lượng giống (còn dưới 80kg/ha), ứng dụng công nghệ cao vào sạ lúa (công cụ sạ hàng, sạ cụm để giảm lượng giống nhưng vẫn đảm bảo năng suất), tuân thủ quy trình rút nước ướt khô xen kẽ, để giúp lượng khí phát thải trên đồng ruộng và giúp rễ lúa ăn sâu hơn, hạn chế quá trình đổ ngã, không đốt đồng mà đem rơm sau khi thu hoạch ra ngoài để phục vụ mục đích khác…
Theo Báo Phụ Nữ