Triều cường dâng cao kết hợp với lũ thượng nguồn sông Mê Công đổ về, mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi ở ĐBSCL ngập sâu. Hậu quả, sự cố hạ tầng giao thông phát sinh, giao thông ách tắc; nhiều diện tích lúa, rau màu bị ngập úng, hư hỏng.
Trước tình hình trên, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó, trong đó yêu cầu vận hành tối đa công suất các cống, trạm, hệ thống thủy lợi để điều tiết nước…
Ngày 21-10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang dự báo, đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch còn kéo dài trong những ngày tới. Đây là đợt triều cường cao nhất năm 2024, khi kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn dòng Mê Công đổ về và mưa lớn kéo dài sẽ gây ngập nặng tại nhiều nơi.
Trên sông Tiền tại TP Mỹ Tho, mực nước cao nhất dự kiến dao động 1,85 – 1,95m, cao hơn báo động III 25 – 35cm, người dân các vùng trũng thấp, ven sông cần chủ động ứng phó.
Trước tình hình trên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho đóng cống Gò Cát và các cống trên Đường tỉnh 864 (Cầu Cống, Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Chùa 1, Hai Tân, Mù U, Cái Sơn) nhằm ngăn triều, hạn chế nước tràn đồng, khu dân cư, gây ngập úng.
Đồng thời có văn bản đề nghị UBND các địa phương: Mỹ Tho, Châu Thành, Cai Lậy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường trong khu vực đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp, giúp dân chủ động ứng phó hiệu quả với triều cường, lũ, mưa lớn kết hợp.
* Tại Long An, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Long An dự báo, từ nay đến tháng 11-2024, khả năng La Nina được thiết lập có xác suất khoảng 66%. Tổng lượng mưa trong tháng 10 cao hơn trung bình nhiều năm. Dù chính quyền địa phương và ngành chức năng tỉnh Long An có nhiều chỉ đạo, khuyến cáo, song công tác ứng phó với triều cường, lũ và mưa lớn ở không ít địa phương trong tỉnh vẫn bị động, dẫn đến thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, tại vùng Đồng Tháp Mười, hàng trăm hộ nông dân bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, xuống giống vụ thu đông (vụ 3) dẫn đến bị thiệt nặng, do ngập úng.
Để ứng phó kịp thời với triều cường, lũ, mưa lớn kết hợp, UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ngành vận hành tối đa công suất các trạm bơm, hệ thống thủy để điều tiết nước; khẩn trương kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều, đặc biệt là tại các đoạn đê yếu, dễ bị sạt lở…
* Tại tỉnh Sóc Trăng, những ngày qua, khi triều cường dâng cao kết hợp mưa lớn khiến một số tuyến đường trên địa bàn TP Sóc Trăng xảy ra sụp lún. Trong đó, nặng nhất là vụ sụp lún mặt đường Lý Thường Kiệt (phường 4, TP Sóc Trăng) vào chiều 19-10, tạo hố sâu 2m, rộng 4m, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông.
Sau sự cố hạ tầng này, ngày 21-10, Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra các điểm, đoạn đường yếu, có nguy cơ sạt lở, sụp lún để khắc phục kịp thời.
Tại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) – cù lao nằm giữa sông Hậu, triều cường dâng cao những ngày qua đã làm vỡ 2 đoạn đê, gây ngập nhiều nhà dân và hơn 10ha diện tích hoa màu, cây ăn trái, ao nuôi thủy sản.
Ghi nhận của PV Báo SGGP, chiều tối 21-10, triều cường dâng cao khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngập sâu. Ngập nặng nhất là quốc lộ 1A đoạn giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, nhiều đoạn ngập gần 0,5m, khiến giao thông ùn tắc, phương tiện di chuyển khó khăn.
* Tại TP Cần Thơ, ông Lê Sỹ Vinh, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ cho biết, ngày 21-10, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch TP Cần Thơ tiếp tục ở mức cao và xấp xỉ mức báo động III.
Hiện nay, các nhiễu động của đới gió đông trên cao hoạt động mạnh và duy trì liên tục, do đó trong những ngày tới, TP Cần Thơ tiếp tục có mưa lớn, kết hợp với triều cường sẽ gây ngập úng ở các khu vực trũng thấp, vùng nội ô ven sông của thành phố. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở mức cấp độ 2.
Theo Báo Sài Gòn Online