Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, thiệt hại của ngành nông nghiệp do thiên tai rất nặng nề (hơn 284.000ha lúa, 61.000ha hoa màu bị hư hại, 44.000 gia súc và hơn 3 triệu gia cầm bị chết – chỉ tính trong đợt bão, mưa, lũ lụt tại miền Bắc, chưa thống kê tại miền Trung). Nếu có bảo hiểm, nông dân có thể nhanh chóng tái sản xuất, giảm thiểu phần nào thiệt hại, phục hồi nguồn cung trở lại trong thời gian ngắn.
Bảo hiểm nông nghiệp đã triển khai ở Việt Nam hơn 10 năm, với mục tiêu bảo vệ nông dân trước rủi ro thiên tai và dịch bệnh. Dù mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong ổn định tài chính và phục hồi sản xuất, loại hình này vẫn chưa thực sự phổ biến và hiệu quả như kỳ vọng. Dường như cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều không mặn mà. Chẳng hạn, năm 2023, doanh thu từ phí bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt được 42,6 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ.
Lý do đầu tiên là nhận thức chưa đầy đủ của người nông dân về bảo hiểm. Phần lớn nông dân Việt Nam có thu nhập không ổn định và cho rằng việc đóng phí bảo hiểm là không cần thiết. Bên cạnh đó, tâm lý chung khi tham gia bảo hiểm là muốn được bồi thường ngay khi xảy ra thiệt hại, trong khi nguyên tắc của bảo hiểm là chỉ bồi thường cho những trường hợp rủi ro cụ thể, không phải tất cả các tình huống đều được chi trả. Điều này tạo ra khoảng cách giữa mong muốn của người nông dân và cách vận hành thực tế của bảo hiểm.
Từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, rủi ro đạo đức là mối lo ngại lớn nhất. Việc giám sát số lượng và giá trị tài sản nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi hay thủy sản rất khó khăn. Đã có trường hợp ngư dân trục lợi bảo hiểm bằng cách hoán đổi máy móc hoặc cố ý đánh đắm tàu để nhận tiền bồi thường. Những rủi ro này khiến doanh nghiệp khó đảm bảo tính minh bạch trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Thêm vào đó, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn manh mún, không tuân thủ quy trình sản xuất kỹ thuật, làm tăng nguy cơ thiệt hại mà bảo hiểm không thể bao quát hết. Khó khăn trong việc đánh giá thiệt hại và xác định mức bồi thường càng khiến người nông dân và doanh nghiệp bảo hiểm ngại tham gia.
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, mức độ rủi ro với nông dân ngày càng lớn. Ước tính, thiên tai và dịch bệnh hàng năm gây thiệt hại khoảng 1,5%GDP của Việt Nam. Khi bão lũ, hạn hán hoặc dịch bệnh xảy ra, nông dân mất trắng tài sản và thành quả lao động. Nếu có cơ chế bảo hiểm sẽ giúp họ có cơ hội bù đắp tổn thất, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Để khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm cần có chiến lược tuyên truyền mạnh mẽ; có sự điều chỉnh mức hỗ trợ phí bảo hiểm, mở rộng đối tượng hỗ trợ và đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và điều kiện sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm phải hợp tác chặt chẽ với các cấp chính quyền và ngân hàng để quản lý rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân.
Việc đơn giản hóa quy trình xử lý hồ sơ, tăng cường tính minh bạch và giảm thời gian thanh toán bồi thường sẽ giúp tăng niềm tin của người nông dân đối với bảo hiểm nông nghiệp. Để thực sự thu hút người tham gia, sản phẩm bảo hiểm cũng cần được thiết kế hấp dẫn và phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, vừa đảm bảo quyền lợi cho nông dân vừa đáp ứng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng