Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 3 đến tháng 4 năm 2025, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ và thấp hơn năm 2024, thấp hơn các năm 2016 và 2020. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

Tính đến ngày 19/3/2025, vụ lúa Đông xuân 2024 – 2025 trên địa bàn tỉnh đã gieo sạ được 242.773 ha/KH 225.950 ha, đạt 107,4% so với kế hoạch, diện tích thu hoạch là 121.795,4 ha, năng suất khô ước đạt 63,58 tạ/ha, sản lượng ước đạt 774.374,8 tấn. Bên cạnh đó, nông dân một số huyện đã tranh thủ gieo sạ lúa Hè thu 2025 sớm ngay sau khi thu hoạch lúa Đông xuân 2024 – 2025 với diện tích trên 29.923 ha tại các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Nhằm hạn chế sự lây truyền của các đối tượng gây hại từ lúa vụ Đông xuân 2024 – 2025 và tránh nguy cơ tác động của khô hạn, nắng nóng, đảm bảo sản xuất lúa vụ Hè thu và Thu đông 2025 đạt kết quả tốt. Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức các văn bản chỉ đạo sản xuất để chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên bám sát địa bàn, rà soát diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn, mặn xâm nhập, tăng cường tích nước ngọt trong hệ thống kênh mương, tiến hành đo nồng độ mặn thường xuyên, khuyến cáo thời điểm lấy nước ngọt kịp thời cho sản xuất. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, điều tra tình hình sinh vật gây hại, tình hình sản xuất trồng trọt; khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp phòng trị, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất. Tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Đông xuân 2024 – 2025 để hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng, nguồn sâu bệnh,…Khuyến cáo phát triển các mô hình sản xuất chất lượng cao, giảm chi phí, mô hình sản xuất hữu cơ, giảm phát thải để nâng cao giá trị sản xuất; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại cây trồng…

Đối với cây lúa các địa phương cần tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch gieo sạ lúa Hè thu 2025 hợp lý, đảm bảo thời gian cách ly với vụ Đông xuân 2024-2025, xử lý rơm rạ nhằm hạn chế sự lây truyền của các đối tượng gây hại từ lúa vụ Đông xuân 2024 – 2025, ngộ độc hữu cơ. Cập nhật thường xuyên diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước, các đối tượng côn trùng vào đèn đặc biệt là rầy nâu thông qua các bản tin thời tiết nông vụ, thông tin trên báo, Đài, cơ quan chuyên môn để bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Dự kiến thời vụ gieo sạ các vùng cụ thể như sau: Đợt 1: Từ 15/4-25/4/2025 dương lịch (18/3-28/3/2025 âm lịch), do giai đoạn này ảnh hưởng khô hạn, nắng nóng lúa sẽ cho năng suất không cao nên chỉ khuyến cáo xuống giống tại các vùng trũng thấp không có đê bao thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Đợt 2: Từ 13/5-23/5/2025 dương lịch (16/4-26/4/2025 âm lịch), tất cả các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Đợt 3: Từ 10/6-20/6/2025 dương lịch (15/5-25/5/2025 âm lịch), tại các vùng không chủ động nguồn nước, các huyện phía Nam và vùng sản xuất lúa Thu Đông có đê bao an toàn tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười.

Ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, đề xuất của doanh nghiệp, có khả năng xuất khẩu cao, thu mua trong vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; cần chú ý các giống lúa chống chịu với rầy nâu, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Nhóm lúa thơm, đặc sản: Chiếm tỷ lệ 10%-15% (Nàng Hoa 9, RVT, ST 24, ST 25,VD 20,…). Nhóm nếp: Chiếm tỷ lệ 30-35%. Nhóm lúa chất lượng cao: Chiếm tỷ lệ 40%-50% (Đài thơm 8, OM 5451, OM 18, OM 6976,…). Nhóm chất lượng trung bình: Chiếm tỷ lệ <5%. Khuyến cáo người dân: Sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 80-100 kg/ha để giảm chi phí sản xuất. Lưu ý: Các giống lúa Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, OM 5451, RVT, ST là những giống mẫn cảm với rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá,… trong quá trình canh tác cần chú ý kỹ để phát hiện sớm và chủ động phòng trừ.

Đối với cây ăn quả cần rà soát các vùng cây ăn quả có nguy cơ bị hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn; xây dựng phương án tối ưu nhất và giải pháp cụ thể cho từng vùng sản xuất có nguy cơ hạn, mặn khác nhau. Tập trung quản lý nước trong vườn cây ăn quả theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn: Tăng cường dự trữ nước trong các kênh mương, ao và sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm như nhỏ giọt, phun mưa. Thường xuyên kiểm tra vườn, củng cố đê bao, kiểm tra nồng độ mặn của nguồn nước tưới, chỉ lấy nước vào vườn khi nồng độ mặn phù hợp theo khuyến cáo của ngành chức năng địa phương. Tủ gốc giữ ẩm đất bằng lá khô, rơm rạ, lá dừa, cỏ khô và các phụ phẩm nông nghiệp; tăng cường bón phân hữu cơ, kali, lân hạn chế cây bị ngộ độc do hạn, mặn; sử dụng phân bón lá có chứa kali, canxi, magiê, silic giúp cây tăng khả năng chịu hạn, chống chọi với mặn; không bón phân có chứa natri và Cl vì sẽ tăng độ độc cho cây. Không tiến hành rải vụ và trồng mới các loại cây ăn quả trong điều kiện thiếu nước ngọt để tưới. Đối với những vườn đang ra hoa và đậu quả nhưng không còn nguồn nước tưới có thể tỉa bỏ bớt hoa, quả, để tránh cây bị suy kiệt.

Theo Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Long An.