Chiều ngày 25/02/2025, UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2024 – 2025, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông 2025; tổng kết công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024, kế hoạch năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 21/02/2025, lúa Đông Xuân 2024 – 2025 đã gieo sạ 239.674 ha/kế hoạch 224.700 ha, bằng 106,7% so với kế hoạch, bằng 101,7% so với cùng kỳ; đã thu hoạch 62.733 ha, năng suất khô ước đạt 58 tạ/ha, sản lượng 363.487 tấn. Ước sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2024 – 2025 đạt 1.583.100 tấn.
Đối với cây hàng năm, diện tích trồng rau các loại 5.469,8 ha, bằng 87% so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 186,74 tạ/ha, sản lượng đạt 102.143 tấn; diện tích cây khoai mì gieo trồng 699,1 ha, bằng 164% so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 117 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8.180 tấn; diện tích cây khoai mỡ trồng 2.780 ha, bằng 128,5% so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 132 tạ/ha, sản lượng ước đạt 36.696 tấn.
Đối với cây ăn quả lâu năm, diện tích trồng cây mít 3.240,59 ha, bằng 103,57% so với cùng kỳ, diện tích cho trái 2.586,86 ha, năng suất 184,48 tạ/ha, sản lượng 47.722,01 tấn; diện tích trồng cây sầu riêng 786,69 ha, bằng 139,82% so với cùng kỳ, diện tích cho sản phẩm 202,33 ha, năng suất 140 tạ/ha, sản lượng 2.832,62 tấn (hiện sầu riêng bắt đầu cho quả năm thứ 2, năng suất khoảng 18-30 tấn/ha, người trồng có lãi cao trên 500 triệu đồng/ha); diện tích trồng cây chanh đạt 11.888,36 ha, bằng 104,54% so cùng kỳ; diện tích trồng cây thanh long đạt 7.812,24 ha, bằng 100,4% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo đánh tình hình sản xuất vẫn còn gặp khó khăn như: tình hình nước lũ 2024 rút chậm kết hợp với triều cường nên tiến độ gieo sạ lúa Đông Xuân 2024-2025 chậm, việc gieo sạ muộn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch hại; nguy cơ ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn thời gian tới; việc nhân rộng các cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn chậm, tỷ lệ thực hiện còn thấp so với diện tích gieo trồng; một số mô hình trình diễn sản xuất ứng dụng công nghệ cao thực hiện có hiệu quả nhưng khi nhân rộng gặp khó khăn về vốn đối ứng của người dân do thiếu vốn;…
Trên cơ sở dự báo diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước, các đối tượng côn trùng, ngành nông nghiệp đã đề ra dự kiến khung thời vụ xuống giống các vùng cụ thể như: Đợt 1 từ 15/4-25/4/2025 dương lịch (18/3-28/3/2025 âm lịch), do giai đoạn này ảnh hưởng khô hạn, nắng nóng lúa sẽ cho năng suất không cao nên chỉ khuyến cáo xuống giống tại các vùng trũng thấp không có đê bao thuộc các huyện vùng Đồng Tháp Mười; đợt 2 từ 13/5-23/5/2025 dương lịch (16/4-26/4/2025 âm lịch), tất cả các huyện, thị trên địa bàn tỉnh; đợt 3 từ 10/6-20/6/2025 dương lịch (15/5-25/5/2024 âm lịch), tại các vùng không chủ động nguồn nước, các huyện phía Nam và lúa Thu Đông có đê bao an toàn tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười.
Năm 2025, chỉ tiêu tỉnh giao sản lượng lúa đạt 2.950.000 tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 75% tổng sản lượng; chỉ tiêu phấn đấu của ngành, sản lượng lúa đạt 3.000.000 tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao chiếm 75-80% tổng sản lượng. Do vậy, lúa hè thu kế hoạch gieo sạ là 215.200ha, sản lượng 1.154.600 tấn; lúa thu đông 62.000ha, sản lượng 316.700 tấn.
Về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, trong năm 2024, toàn tỉnh có 95 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000, BRC, HALAL,…) trong chế biến nông sản; có 06 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ 731.500 tem cho các cơ sở tham gia xây dựng chuỗi (04 cơ sở) và các sản phẩm OCOP (17 cơ sở) trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến nay đã hỗ trợ 42 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi sử dụng tem điện tử (3.242.500 tem) truy xuất nguồn gốc sản phẩm an toàn. Hướng dẫn, hỗ trợ 35 điểm bán sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 06 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gồm sản phẩm từ chanh, sen, dưa lưới, sản phẩm trái cây sấy, sản phẩm yến và cơm cháy chà bông, với tổng sản lượng dự kiến 25.380 tấn/năm. Lũy kế, toàn tỉnh đã xây dựng được 41 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản, nông sản khác, với sản lượng dự kiến ước khoảng 195.380 tấn/năm. Phối hợp Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát, xây dựng và trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi (thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối).
Việc giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, năm 2024 đã thu 875 mẫu (100 mẫu kiểm nghiệm và 775 mẫu kiểm tra nhanh) kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kết quả 11/875 mẫu không đạt, 864/875 mẫu đạt.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm biểu dương các kết quả tích cực ngành nông nghiệp đạt được ngay từ đầu năm, đây là đà tốt cho ngành nông nghiệp phấn đấu trong năm 2025, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của ngành nông nghiệp trong việc tham mưu UBND tỉnh trên lĩnh vực ngành.
Năm 2025 nhận định có nhiều thách thức, khó khăn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu không được chủ quan, tập trung chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. “Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2025 đạt từ 3,32 %, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh” – ông nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ trọng tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm đề nghị trước tiên cần củng cố, ổn định hoạt động bộ máy phòng ban trên lĩnh vực nông nghiệp thực hiện sau sắp xếp tổ chức bộ máy, không gây gián đoạn, không được để giảm hiệu quả công việc.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời dịch bệnh, thời tiết, khí hậu, thủy văn, nhất là theo dõi diễn biến sâu bệnh trên cây trồng chủ lực của tỉnh; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình sâu bệnh trên cây trồng để nông dân chủ động sản xuất và phòng trừ đạt hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa bão, lũ, triều cường, mặn… Áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình để phòng ngừa, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025; đặc biệc khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Các đơn vị, địa phương tập trung tổng kết chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật đảm bảo vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao. Tiếp tục hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Công Thông Tin Điện Tử Long An