Dù chưa gieo sạ nhưng nông dân đã tốn chục triệu đồng chi phí sản xuất vụ lúa mới do ảnh hưởng của thời tiết.

Thời điểm này, nông dân miền Tây đã tất bật làm đồng, chuẩn bị gieo sạ cho vụ lúa đông xuân 2024-2025.

Theo chia sẻ của nhiều nông dân, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, tình hình mưa giông xuất hiện nhiều cùng triều cường đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc canh tác lúa. Điều này cũng kéo theo chi phí sản xuất tăng cao so với cùng kì năm ngoái.

Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Tư (57 tuổi, huyện Phụng Hiệp) đã chi hơn 10 triệu đồng cho quá trình làm đồng, máy bơm nước, trữ lúa giống. Số tiền này cao hơn vụ mùa năm trước khoảng 2 triệu đồng.

“Năm nay mùa mưa kéo dài, sạ sớm thì lúa có khả năng nảy mầm thấp còn kéo dài thì thời gian thu hoạch sẽ gặp hạn mặn. Để phòng gieo sạ lần 2, tôi mua trữ thêm 100 kg lúa giống, xăng dầu để bơm nước cùng với tiền cày xới… khiến vụ này chi phí sản xuất khá cao”, ông Tư nói.

Mặc dù chi phí sản xuất đội giá, thế nhưng ông Tư vẫn sẵn sàng đầu tư vì đây được xem là vụ lúa quan trọng trong năm do năng suất cao. Cùng với đó, giá lúa vẫn duy trì ở mức ổn định nên lợi nhuận sau thu hoạch sẽ tăng lên.

Còn tại TP Cần Thơ, sau khi xuống giống 1 ha lúa, ông Nguyễn Văn Mãi cũng chi thêm vài triệu đồng để mua xăng dầu, túc trực ngoài đồng bơm nước phòng ngập úng do mưa, nước dâng.

“Lúa mới sạ nên còn yếu, nếu gặp mưa to, không kịp bơm thoát nước thì diện tích thiệt hại sẽ nhiều. Nếu so với việc đầu tư thêm tiền mua lúa giống, bỏ công gieo sạ lại chi phí sẽ cao hơn, thì tôi cố gắng đi thăm đồng, theo dõi để kịp thời cứu lúa”, ông Mãi nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2024-2025, thành phố có kế hoạch gieo trồng 72.100 ha. Dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa đợt 1 từ ngày 3 – 9.11 và từ 25.11 – 1.12 sẽ tiến hành gieo sạ đợt 2.

Còn tại Hậu Giang, theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân 2024-2025, Hậu Giang phấn đấu đạt diện tích 73.500 ha, ước sản lượng đạt khoảng 552.320 tấn.

Đối với các khu vực có đê bao khép kín và hệ thống bơm thoát nước hoàn chỉnh, đảm bảo tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm hoặc các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ tiến hành gieo sạ đợt 1; đợt 2 và 3 đối với trà lúa đông xuân chính vụ, vùng trũng thấp, nước lũ rút chậm hàng năm phải gieo sạ trễ.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, triều cường, ngập lụt gây ra, ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo, nông dân cần tuân thủ lịch xuống giống, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo mưa, lũ để kịp thời ứng phó khi có diễn biến bất thường; khẩn trương tổ chức sửa chữa, gia cố các đoạn đê bao, bờ bao, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố hoặc đã có biểu hiện mất an toàn.

Bên cạnh đó, chủ động vận hành công trình thủy lợi để phòng, chống ngập lụt, úng hiệu quả, phục vụ sản xuất, dân sinh và bảo đảm an toàn công trình…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 10 đến tháng 12.2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 – 70%. Mùa mưa ở Nam Bộ có thể kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng nửa cuối tháng 12.2024).

Theo Báo Lao Động