Nông dân các địa phương ven biển, nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn đang khẩn trương gieo sạ vụ lúa Đông Xuân nhằm né mặn vào cuối vụ.
Huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là địa phương ven biển, nằm trong vùng thủy lợi khép kín, thường xuyên bị ảnh hưởng nếu mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt cục bộ vào mùa khô. Để đảm bảo thành công vụ lúa chính trong năm (Đông Xuân) hơn 2 tuần này nông dân nơi đây tất bật gieo sạ với hi vọng được mùa trúng giá.
Theo ghi nhận các giống được bà con chọn là giống lúa đặc sản, chất lượng cao như nhóm lúa ST, OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8…
Vừa thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, ông Lâm Diệp ở xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã tranh thủ cải tạo 4ha đất để xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024 theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
“Vụ này tôi chọn giống Đài Thơm 8 vì phù hợp với thời tiết, hạn chế dịch bệnh. Tôi cũng được ngành chuyên môn tập huấn quy trình canh tác, quản lý dịch hại trên lúa”, ông Diệp nói.
Ông Liêu Qươl ở xã Viên An (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ địa phương thường xuyên bị mặn xâm nhập và thiếu nước vào mùa khô, nên việc xuống giống sớm sẽ giúp ông và nhiều nông dân nơi đây né mặn vào cuối vụ.
“Vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 do sạ trễ, bị ảnh hưởng của nước mặn làm giảm năng suất lúa. Rút kinh nghiệm nên vụ này tôi làm sớm theo khung lịch thời vụ khuyến cáo. Lúa thu hoạch trước Tết Nguyên đán vừa né được mặn vừa có thu nhập để chuẩn bị ăn Tết”, ông Qươl nói.
Trong khi đó tại các cánh đồng thuộc xã Long Đức, (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) lúa đã hơn 1 tháng. Nông dân nơi đây đang tích cực ra đồng theo dõi diễn biến của thời tiết, sâu, bệnh hại nhằm có giải pháp phòng, ngừa kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Chín – một nông dân ở xã Long Đức – cho biết gần 10 năm nay bà con ở đây đều chủ động gieo sạ sớm vụ lúa Đông Xuân nhằm né hạn, tránh mặn, đảm bảo năng suất, chất lượng lúa, giá bán cao.
“Vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 tôi sạ sớm hơn gần 1 tháng so cùng kỳ những năm trước. 1ha lúa ST25 năng suất 800 kg/1.000m2 được doanh nghiệp bao tiêu giá 11.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 50 triệu đồng/ha. Nhờ vậy năm rồi ăn Tết sung túc luôn”, ông Chín nói.
Năm 2016, tại tỉnh Sóc Trăng có hàng nghìn ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sử, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp, né hạn mặn rất hiệu quả.
Đối với các huyện ven biển, có nguy cơ cao bị xâm nhập mặn sớm thu hoạch trước Tết và những huyện vùng trong, hạn mặn về muộn hơn thì có thể sau Tết Nguyên đán 10 – 15 ngày là bà con tổ chức thu hoạch.
Theo: Báo Sóc Trăng