Sản xuất lúa năm 2024 ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù gặp nhiều điều kiện bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn ở vụ đông xuân 2023-2024; mưa lớn, dông lốc cuối vụ hè thu, đầu vụ thu đông, song vẫn đạt được kết quả tốt khi năng suất, sản lượng đều tăng so với năm 2023.
Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: “Năm 2024, sản xuất trồng trọt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra không thuận lợi, trong đó có sản xuất lúa.
Theo đó, vụ đông xuân 2023-2024 xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn sớm, kéo dài, nồng độ mặn cao và sâu hơn; cuối vụ hè thu và đầu vụ thu đông có mưa nhiều, kéo dài và kèm theo dông, gió to gây khó khăn cho chăm sóc và thu hoạch nông sản, nhưng do bà con nông dân tuân thủ các giải pháp chỉ đạo sản xuất; các địa phương xây dựng và triển khai chi tiết kế hoạch sản xuất các vụ trong năm cho nên sản xuất lúa năm nay vẫn đạt những kết quả tích cực. Ước diện tích xuống giống lúa các vụ năm 2024 là 3.823,55 nghìn ha, thấp hơn cùng kỳ 16,35 nghìn ha, năng suất ước đạt 63,12 tạ/ha, tăng 0,29 tạ/ha, sản lượng đạt 24.134 nghìn tấn, tăng 11,16 nghìn tấn so với năm 2023”.
Riêng vụ lúa đông xuân 2023-2024, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1.487,7 nghìn ha, tăng 9.000 ha so với cùng kỳ; năng suất đạt 72,3 tạ/ha, sản lượng đạt 10.756 nghìn tấn, tăng 81,34 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước. Đạt được kết quả này là do nông dân các địa phương ven biển thực hiện xuống giống sớm để né hạn, mặn trong mùa khô.
Vì vậy, xâm nhập mặn mặc dù gay gắt nhưng những diện tích xuống giống sớm khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì lúa đã được thu hoạch. Tuy vậy, một số diện tích xuống giống muộn hơn khuyến cáo hoặc nông dân tự sản xuất ở những vùng đã được cảnh báo bỏ vụ cho nên vẫn còn 1.662 ha lúa ở hai tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước khiến giảm năng suất.
Đặc biệt, trong triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, đến nay khu vực này đã thực hiện thí điểm bảy mô hình với diện tích 333,5 ha trong vụ hè thu 2024 ở năm địa phương là: Thành phố Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, mô hình ở Cần Thơ sản xuất trong vụ hè thu năm 2024 đã mang lại những tín hiệu tích cực khi giúp giảm lượng giống hai lần, giảm 30% lượng bón đạm, giảm ba lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với sản xuất ngoài mô hình, giảm lượng nước tưới.
Bên cạnh đó, năng suất lúa đạt 6,4 tấn/ha (tại thời điểm thu hoạch), tăng khoảng 7% so với ngoài mô hình. Ngoài ra, lúa sản xuất trong mô hình không bị đổ ngã, giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 3%. Thu hoạch trong mô hình đạt 48 đến 49 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 6 đến 7 triệu đồng/ha; lợi nhuận từ mô hình thí điểm đạt 25 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với ngoài mô hình…
Theo kế hoạch, năm 2025 các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 3,8 triệu ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 63,15 tạ/ha, sản lượng 24,173 triệu tấn; trong đó vụ đông xuân 2024-2025 xuống giống 1,490 triệu ha, năng suất 72,3 tạ/ha, sản lượng 10,772 triệu tấn.
Theo Báo Nhân Dân